Vệ sinh khoang miệng sau ăn không sạch sẽ chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh nấm lưỡi.
Bệnh xuất hiện có thể dẫn đến cảm giác khó chịu khiến con bỏ bú mẹ hoặc biếng ăn (đối với những trẻ lớn hơn). Nặng hơn có thể ảnh hưởng đến lưỡi, gây trầy xước, chảy máu và nhiễm trùng.
Chính vì thế, theo lời khuyên của các bác sĩ Nhi khoa, cha mẹ nên rơ lưỡi thường xuyên cho con (trong trường hợp bệnh nhẹ) hoặc có thể sử dụng một số loại thuốc bôi (theo chỉ định của bác sĩ). Trong trường hợp nặng hơn (nấm quá nặng, lan khắp miệng) cần đưa con đến bệnh viện để làm kiểm tra và có các biện pháp xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến đường ruột.
Theo quan niệm dân gian xưa, các bà các mẹ thường sử dụng mật ong, chanh hoặc muối để rơ lưỡi cho trẻ tại nhà. Biện pháp này khá hiệu quả và cũng được các bác sĩ khuyên dùng. Tuy nhiên, đối với mỗi trường hợp cha mẹ cần nắm rõ các lưu ý để không gây hại cho trẻ.
– Nếu dùng chanh để rơ lưỡi thì chỉ được dùng với một lượng rất nhỏ hòa loãng. Sau khi rơ xong cần cho trẻ uống nước súc miệng để tránh axit tồn đọng gây hại cho lưỡi.
– Muối có thể dùng ở dạng lỏng làm nước súc miệng nhưng cũng không được để nồng độ mặn quá cao. Chỉ nên hòa nhạt và súc miệng bổ sung. Với trẻ lớn hơn nên sử dụng kem đánh răng có chứa hàm lượng flour tốt cho trẻ để làm sạch răng miệng, lưỡi thường xuyên.
– Mật ong cũng có thể dùng để rơ lưỡi cho trẻ nhưng mẹ nên nhớ không được dùng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi vì trong mật ong có chứa các nội bào tử, các vi khuẩn không hoạt động Clostridium botulinum có khả năng gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Vì thế, cách rơ lưỡi tốt nhất cho trẻ dưới 1 tuổi đó là dùng nước muối sinh lý (2 giờ sau ăn hoặc lúc đói). Cách thực hiện:
+ Bước 1: Chuẩn bị miếng gạc mềm + nước muối sinh lý dành cho trẻ sơ sinh có bán tại các hiệu thuốc.
+ Bước 2: Mẹ rửa các đầu ngón tay thật sạch sẽ.
+ Bước 3: Quấn miếng gạc mềm vào đầu ngón tay của mẹ, nhúng vào cốc nước muối sinh lý đã chuẩn bị rồi tưa xung quanh, trên bề mặt lưỡi cho con sơ sinh.
Các mẹ có thể tham khảo những cách tưa lưỡi trên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để con tránh mắc bệnh nấm lưỡi. Trong trường hợp thấy lưỡi con xuất hiện những biểu hiện nặng hơn cần được thăm khám bởi bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Xem thêm: Quất hấp mật ong trị ho cực nhạy